Tiếng Việt
Phương pháp tiếp cận thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA)
Mọi người trên toàn thế giới phụ thuộc vào các hệ sinh thái nguyên vẹn và các dịch vụ hệ sinh thái mà nó cung cấp như độ phì nhiêu đất, nước sạch và thực phẩm. Điều này đặc biệt đúng đối với người nghèo tại các nước đang phát triển, những người có sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Đánh giá Hệ sinh thái Thiên niên kỷ 2005 đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính làm thay đổi và suy thoái dịch vụ hệ sinh thái và các tác động này sẽ gia tăng trong tương lai. Hiện nay, chức năng của hệ sinh thái giúp con người và thế giới tự nhiên thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), thích ứng dựa vào hệ sinh thái được định nghĩa như sau: “Thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) là việc sử dụng đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái như một phần của chiến lược thích ứng tổng thể nhằm giúp con người thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”.
Các dịch vụ hệ sinh thái là các lợi ích mà con người nhận được từ hệ sinh thái. Các lợi ích này được phân loại như sau:
- Các dịch vụ cung cấp: thức ăn, nước ngọt, nguyên vật liệu thô, dược liệu
- Các dịch vụ điều tiết: điều tiết khí hậu, lũ lụt, dịch bệnh, chất lượng nước và quản lý nước thải
- Các dịch vụ văn hóa: thúc đẩy các yếu tố tâm linh, tinh thần, thẩm mỹ và du lịch sinh thái
- Các dịch vụ hỗ trợ: hình thành đất, quang hợp và chu trình vật chất
Thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) thừa nhận rằng các hệ sinh thái khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và tăng cường khả năng phục hồi của các hệ sinh thái cũng như những người sống phụ thuộc vào các hệ sinh thái đó nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Các dự án EbA thường nhằm mục đích giảm khả năng dễ bị tổn thương của con người và tăng cường khả năng phục hồi của họ trước các tác động của biến đổi khi hậu thông qua việc sử dụng hiệu quả đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. Ngoài ra, dự án EbA sẽ lồng ghép, hỗ trợ cũng như tăng cường các chính sách biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia và khu vực.
Theo Đánh giá Hệ sinh thái Thiên niên kỷ 2005, thích ứng dựa vào hệ sinh thái đã được các nhà hoạch định chính sách và những nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực thích ứng và phát triển quan tâm và hỗ trợ hơn. Sau nhiều năm thảo luận về định nghĩa và khái niệm hóa, hiện nay, các nhà hoạch định chính sách và những nhà nghiên cứu tập trung vào việc cung cấp thông tin về tình hình thực hiện và các cơ hội tài trợ cho các giải pháp EbA, cũng như tăng cường mối liên kết giữa đa dạng sinh học/dịch vụ hệ sinh thái và biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường và phổ biến kiến thức về sự kết nối này.
EbA đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về các dịch vụ hệ sinh thái và quá trình cần thiết để tạo ra các hệ sinh thái đó. Khi sử dụng một dịch vụ hệ sinh thái nhất định cho mục đích thích ứng thì các dịch vụ khác không thể được sử dụng mà cần dành ưu tiên cho dịch vụ hệ sinh thái đó. Ví dụ như bảo tồn rừng ngập mặn để chống xói mòn bờ biển thì rừng ngập mặn và các loài cây gỗ sẽ không được sử dụng để làm củi đốt.
Cần phân biệt 2 nội dung sau khi thảo luận về EbA:
- Bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái cho con người thích ứng với biến đổi khí hậu (EbA)
- Quản lý hệ sinh thái để hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm mục đích chính là bảo vệ các dịch vụ hệ sinh thái (“thích ứng với hệ sinh thái”)
Trong khi cách phân loại thích ứng thứ nhất tập trung vào khả năng phục hồi con người, cách phân loại thứ hai nhằm mục đích tạo ra sự bảo vệ tự nhiên.
Một số ví dụ về các thực tiễn tốt về EbA:
- Các biện pháp bảo vệ bờ biển để bảo tồn hoặc tái tạo rừng ngập mặn và các hệ sinh thái ven biển khác, có thể bao gồm các tác động của lũ lụt, xói mòn bờ biển và xâm nhập mặn
- Trồng rừng bền vững để ổn định đất trên đồi và điều hòa dòng chảy nước
- Thiết lập hệ thống nông – lâm kết hợp nhằm đa dạng hóa loài và sinh kế, ổn định hệ thống canh tác cũng như tăng cường khả năng phục hồi
- Bảo tồn các khu bảo tồn tự nhiên có đa dạng sinh học cao nhằm duy trì nguồn gen trong canh tác nông nghiệp và nguồn gen động vật để thích ứng với biến đổi khí hậu
- Quản lý các loài ngoại lai xâm hại mà đe dọa đến đa dạng sinh học bản địa và an ninh nguồn nước, an ninh lương thực
- Quản lý nguồn nước ví dụ như các thủy vực
- EbA đô thị bao gồm các phương pháp tiếp cận dựa vào thiết kế và cải thiện cơ sở hạ tầng xanh ví dụ công viên đô thị, mái nhà xanh, trồng cây, sông, ao hồ cũng như các can thiệp khác nhằm giúp sử dụng các chức năng của hệ sinh thái để cung cấp các hình thức thích ứng với các rủi ro khí hậu, ví dụ các biện pháp tăng cường độ thấm của đất.
Eba được xem xét là phương pháp tiếp cận thích ứng mà khi thực hiện ít hoặc không đem lại rủi ro (giải pháp không hối tiếc) ngay cả khi các dự báo biến đổi khí hậu không xảy ra. Các giải pháp EbA tạo ra nhiều tác động tích cực cho con người và môi trường. EbA bao gồm phương pháp tiếp cận thích ứng có thể áp dụng rộng rãi trên nhiều quy mô không gian và thời gian. EbA có tiềm năng cung cấp cho các cộng đồng tương đối nghèo các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu với chi phí – hiệu quả hơn so với các giải pháp công trình. Tuy nhiên, các biện pháp EbA có thể cạnh tranh với các hình thức canh tác khác như nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất và thu gom gỗ (GIZ).
Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam
Dự án “Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam” hỗ trợ xây dựng các phương pháp tiếp cận EbA hiệu quả nhằm mục đích giúp Việt Nam thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu thông qua quản lý tốt các hệ sinh thái và lồng ghép hệ sinh thái vào các chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Sự cần thiết
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các tác động của biến đổi khí hậu. Những thiệt hại hàng năm do hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra được dự tính lên đến 15 tỷ USD (Giám sát tổn thương do khí hậu của DARA năm 2012), tương đương khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội.
Việt Nam cũng được coi là điểm nóng về đa dạng sinh học với tỷ lệ cao các loài đặc hữu. Những tác động của BĐKH đang đe dọa sự đa dạng của các loài này. Mặt khác, chính những hệ sinh thái nguyên vẹn có thể góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng chống chịu của những người dân bị ảnh hưởng. Hiện nay, những thay đổi về sử dụng đất gây ra do tăng trưởng kinh tế liên tục, dân số tăng là một trong những nguyên nhân chính làm mất đi tính đa dạng sinh học.
Phương pháp tiếp cận mới
Bên cạnh việc giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người đối với các rủi ro khí hậu, các biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái được xem là một giải pháp thay thế tốt hoặc bổ sung cho các giải pháp kỹ thuật vì nó mang lại nhiều lợi ích thứ cấp, bao gồm đóng góp cho bảo vệ thiên tai, an ninh lương thực, sinh kế và bảo tồn đa dạng sinh học. Ví dụ, việc phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn như là một hình thức tự nhiên hiệu quả chi phí để bảo vệ bờ biển, là biện pháp thực tiễn được chính quyền địa phương áp dụng.
Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho việc bảo vệ và thích ứng biến đổi khí hậu, cũng như bảo vệ và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, thông qua việc ban hành hàng loạt các Luật và Nghị định, phê chuẩn các điều ước quốc tế và tham gia vào các sáng kiến quốc tế. Tuy nhiên, việc lồng ghép các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái vào chính sách và xã hội còn nhiều hạn chế, thiếu các công cụ và phương pháp tiếp cận hiệu quả để thực hiện các phương pháp này, hoặc để giám sát sự đóng góp của các hệ sinh thái cho thích ứng.
Dự án được thiết lập nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc lồng ghép các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái một cách hệ thống trong chính sách và xã hội. Dự án cũng nhằm tăng cường năng lực của các đối tác liên quan ở trung ương và địa phương nhằm lồng ghép các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái trong khung chính sách quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu, và đảm bảo việc thực hiện bền vững.
Dự án cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các đối tác Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn tài chính trong nước và quốc tế cho các giải pháp EbA, và hỗ trợ các nỗ lực để chia sẻ kinh nghiệm liên quan tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Các lĩnh vực chính
Các hoạt động của dự án tập trung trong 4 nội dung sau:
- Tăng cường nhận thức và năng lực của các đối tác ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các đối tác nhận thức được những ưu điểm của thích ứng dựa vào hệ sinh thái và có năng lực để lồng ghép và thực hiện các giải pháp đó.
- Nhân rộng: dự án đang xây dựng một cơ sở vững chắc để áp dụng các biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái. Điều này dựa trên việc đánh giá những kinh nghiệm hiện tại cũng như các giải pháp thử nghiệm, bao gồm việc xây dựng các công cụ kỹ thuật, hướng dẫn, sổ tay và phương pháp giám sát.
- Lồng ghép thích ứng dựa vào hệ sinh thái vào các chính sách quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu và khung chính sách liên quan (tập trung vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển), và xác định các nguồn tài chính trong nước và quốc tế.
- Kinh nghiệm từ các giải pháp cụ thể cũng như các can thiệp thí điểm; hỗ trợ đối tác và các bên liên quan chia sẻ kiến thức thông qua mạng lưới và các diễn đàn quốc gia, quốc tế
Thông qua việc giới thiệu các biện pháp quản lý đất đai dựa vào hệ sinh thái (bảo tồn, bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững), dự án dự kiến đóng góp đáp ứng cam kết carbon của quốc gia. Dự án cũng xây dựng các giải pháp hiệu quả, hướng dẫn chiến lược và chính sách để hỗ trợ việc sử dụng thích ứng dựa vào hệ sinh thái, bao gồm cải thiện khung chính sách nhằm lồng ghép EbA vào quá trình lập quy hoạch quốc gia, cũng như tăng cường các biện pháp xác định các rủi ro khí hậu và tính dễ bị tổn thương ở thượng nguồn. Kết hợp với các biện pháp thí điểm tại hai tỉnh, dự án sẽ đóng góp trực tiếp vào thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Tác động
Dự án nhằm mục đích tạo ra các tác động dài hạn sau:
Đóng góp vào thích ứng biến đổi khí hậu: thông qua hỗ trợ của dự án, xây dựng được các phương pháp, chiến lược sáng tạo và hiệu quả, và các hướng dẫn chính sách nhằm hỗ trợ và thực hiện thích ứng dựa vào hệ sinh thái.
Lồng ghép EbA vào quá trình lập quy hoạch: Dự án EbA đã tham gia vào quá trình xây dựng và sửa đổi các hướng dẫn và chính sách như Kế hoạch Hành động ứng phó với BĐKH, Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hà Tĩnh và lồng ghép EbA vào đánh giá môi trường chiến lược ở Việt Nam.
Tăng cường năng lực và nhận thức: Các khóa đào tạo về biến đổi khí hậu, thích ứng dựa vào hệ sinh thái và lồng ghép chúng trong quá trình lập quy hoạch phát triển đã được tổ chức cho các nhóm đối tượng khác nhau, từ người nông dân đến các nhà hoạch định chính sách.
Đánh giá tính dễ bị tổn thương: Đánh giá tính dễ bị tổn thương cho các hệ thống sinh thái -xã hội đã được triển khai thực hiện tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nhóm chuyên gia đã xác định được hơn 70 các hệ thống sinh thái – xã hội và đề xuất các giải pháp EbA cho 10 hệ thống sinh thái – xã hội quan trọng nhất.
Thí điểm các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái: Tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, các hoạt động thí điểm thích ứng dựa vào hệ sinh thái được bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2016, nhằm tăng cường khả năng phục hồi và sinh kế của các hộ dân sống tại khu vực miền núi và các hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển.
Tác động nhân rộng: Dự án đã trình bày phương pháp tiếp cận EbA tại nhiều hội nghị quốc tế và thiết lập trang thông tin điện tử để phổ biến các thông tin về EbA.
Thực hiện đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương
Theo IPCC, tình trạng dễ bị tổn thương là mức độ mà một hệ thống dễ bị tổn thương hoặc không thể ứng phó với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, bao gồm cả các thay đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan. Tình trạng dễ bị tổn thương là chức năng của một đặc điểm, tính chất và tốc độ thay đổi khí hậu mà một hệ thống tiếp xúc, tính nhạy cảm và khả năng thích ứng của hệ thống.
Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương được định nghĩa bởi GIZ là các biện pháp đo lường tình trạng dễ bị tổn thương của một hệ thống hoặc đơn vị phơi nhiễm, ví dụ tình trạng dễ bị tổn thương của cộng đồng hoặc hệ thống tự nhiên như lưu vực sông hoặc hệ sinh thái. Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương xác định, định lượng và ưu tiên các tình trạng dễ bị tổn thương của hệ thống đó. Nhìn chung, có thể phân biệt phương pháp đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương từ trên xuống và từ dưới lên. Trong phương pháp tiếp cận tổng hợp, các yếu tố của phương pháp từ trên xuống và từ dưới lên được kết hợp để hỗ trợ cho nhau.
Để có thể đề xuất và thực hiện các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp, cần biết được các rủi ro khí hậu gây ra cho cộng đồng dân cư. Việc xác định các rủi ro khí hậu này có thể được thực hiện thông qua đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương. Các đánh giá này cho phép người thực hiện và những nhà hoạch định chính sách quyết định khu vực nào, trong lĩnh vực nào và ai cần sự hỗ trợ nhất, theo dạng nào. Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương cho phép thực hiện các hoạt động thích ứng bền vững và hiệu quả hơn.
Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương cho các hệ thống sinh thái-xã hội
Khung sáng kiến thích ứng được xây dựng nhằm cung cấp hướng dẫn thực tế để xác định tất cả các yếu tố liên quan khi thực hiện đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương (xác định sơ bộ các lựa chọn EbA) ở cả cấp tỉnh và cấp cộng đồng. Phương pháp tiếp cận này được gọi là Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương cho các hệ thống sinh thái – xã hội (VASES).
Phương pháp
Phương pháp VASES được áp dụng để cung cấp thông tin chi tiết về khí hậu, các tác động đối với xã hội, kinh tế và sinh thái. Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương được thực hiện trong 2 giai đoạn: giai đoạn 1 – đánh giá cấp tỉnh và giai đoạn 2 – đánh giá ở cấp cộng đồng hoặc tại các khu vực được lựa chọn ở quy mô địa phương.
Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương cấp tỉnh cung cấp tổng quan về các vấn đề biến đổi khí hậu và xác định các hoạt động ưu tiên. Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương cấp tỉnh sử dụng phương pháp từ trên xuống, và sử dụng những thông tin hiện có về các tài sản kinh tế, sinh thái và xã hội, lịch sử các mối nguy hại liên quan đến khí hậu cũng như các xu hướng phát triển; dự đoán biến đổi khí hậu nhằm giúp xác định các vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu ưu tiên và các giải pháp EbA chung cho toàn tỉnh. Đánh giá cấp tỉnh cũng cung cấp cơ sở cho việc xác định danh sách các khu vực cụ thể để lựa chọn đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương ở cấp cộng đồng.
Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương ở cấp cộng đồng tập trung vào các khu vực được lựa chọn, lặp lại việc phân tích các yếu tố kinh tế, sinh thái và xã hội ở cấp cộng đồng; áp dụng phương pháp hoạt động hiện trường từ dưới lên, thu thập thông tin địa phương và sự tham gia của các đối tác liên quan để hiểu rõ hơn về các vấn đề biến đổi khí hậu quan trọng địa phương, xác định các giải pháp EbA có thể thực hiện.
Mặc dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được tính cần thiết phải thực hiện đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên các hệ sinh thái xã hội, tuy nhiên không có nghiên cứu nào đưa ra phương pháp xác định hệ sinh thái xã hội, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các hệ sinh thái hoặc thậm chí chỉ là một định nghĩa rõ ràng về các yếu tố cấu thành nên một hệ sinh thái xã hội. Hệ thống sinh thái – xã hội được định nghĩa như sau:
“những đơn vị sinh – địa – vật lý phức tạp cùng với các chủ thể xã hội, thể chế và các hoạt động của chúng”
Khái niệm chỉ ra rằng các hệ thống kinh tế, xã hội và sinh thái liên kết chặt chẽ với nhau và bất cứ sự phân tách nào đều không thuận theo tự nhiên. Dù rằng các hệ sinh thái xã hội có thể được phân chia dựa theo các ranh giới về không gian hoặc chức năng, và quy mô của chúng cũng khác nhau, tuy nhiên trong thực tế rất khó để xác định những ranh giới này sao cho phù hợp. Do đó, đề xuất phương pháp tiếp cận giúp lần đầu tiên xác định và lập bản đồ các hệ sinh thái xã hội cho toàn tỉnh, sau đó miêu tả các hệ sinh thái ưu tiên từ đó giúp thực hiện các bước đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và thực hiện các đề xuất EbA.
Đồng thời, phương pháp tiếp cận này cũng chỉ ra rằng không phải tất cả các hệ sinh thái xã hội của tỉnh đều có thể dễ dàng phân tách. Một số yếu tố cùng lúc thuộc nhiều hệ sinh thái xã hội khác nhau. Vì vậy, khái niệm “Tài sản/ hoạt động kinh tế quan trọng” (KEA) được giới thiệu, bao gồm cả các cơ sở hạ tầng quy mô lớn góp phần hỗ trợ các hoạt động kinh tế của tỉnh (ví dụ ngành giao thông, năng lượng và nước) cũng như các đặc khu kinh tế (SEZs)
Phương pháp tiếp cận VASES bao gồm 4 thành phần chính (cơ bản giống nhau ở cấp tỉnh và cấp cộng đồng):
- Xác định phạm vi đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái
- Cơ sở và xu hướng về sinh thái, xã hội và kinh tế
- Xác định các mối nguy hiểm chính liên quan đến khí hậu và xu hướng của nó
- Xác định các hệ thống sinh thái xã hội (SES) và các tài sản kinh tế quan trọng (KEA) ưu tiên
- Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương cho các hệ thống sinh thái xã hội và các tài sản kinh tế chính
- Đánh giá tác động biến đổi khí hậu
- Đánh giá khả năng thích ứng
- Xác định các giải pháp EbA và các phương án liên quan khác
Xác định các giải pháp EbA và các phương án liên quan khác
Kết quả thực hiện đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình được thể hiện chi tiết trong các báo cáo sau: